Omicron lây lan gấp 7 lần ở nhóm chưa tiêm vắc xin, gấp 3 lần ở nhóm tiêm đủ
Biến chủng mới Omicron được cảnh báo tốc độ lây nhiễm cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng vắc xin Covid 19 và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ. Các chuyên gia cũng lý giải vì sao phải truy vết để giám sát Omicron.
Omicron - Biến chủng đáng lo ngại
Hiện mỗi ngày vẫn có trên 200 ca tử vong do COVID-19, nếu để Omicron lan tràn nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế, số tử vong sẽ tăng lên.
Có một số ca dương tính chủng Omicron đã được ra viện, đặc điểm của các ca bệnh này cho đến nay là từ không có biểu hiện lâm sàng nào đến ho nhưng không sốt, không đau họng. Vào ngày 19/1 Việt Nam chính thức đã có những ca nhiễm Omicron ngoài cộng đồng đầu tiên.
Nhưng các chuyên gia lo ngại nhất với chủng Omicron là tốc độ lây nhiễm, từ đó gây áp lực lên hệ thống y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành y tế năm 2022 là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Omicron đã có những ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên
Phòng - chống dịch có cần truy vết?
Nhiều ý kiến đặt vấn đề: Hiện nay “sống chung với dịch” thì có cần truy vết? Lý giải điều này, một chuyên gia dịch tễ học cho rằng với Omicron, hiện nay truy vết có thể không kịp với sự lây truyền của chủng này mà Mỹ, Anh là những ví dụ. Tuy nhiên PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thì cho rằng với Omicron phải truy vết đến khi không còn truy vết được nữa. VN cần truy vết để ca bệnh không gia tăng nhanh và kiểm soát được, vì nếu không sẽ dẫn đến quá tải và gây tổn thất nhân mạng, kèm theo hậu Covid-19 và gây ra các biến chủng mới.
“Rút kinh nghiệm từ đợt dịch thứ 4, việc truy vết hiện nay phải có trọng tâm với nhóm người nếu bị bệnh sẽ lây cho nhiều người khác (bác sĩ, nhân viên y tế, trại dưỡng lão…); tiếp xúc người già; người có triệu chứng…”, PGS-TS Dũng nói.
Bộ Y tế cho hay vẫn tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch do Omicron gây ra tại VN; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về biến chủng này. Bộ Y tế cảnh báo tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng vaccine và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ, dẫn đến tăng rất nhanh số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch. Theo Bộ Y tế, WHO tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vắc xin. WHO khẳng định làn sóng lây nhiễm gia tăng hiện nay là do Omicron có thể dần thay thế Delta, trở thành biến chủng lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước.
Theo WHO, đến ngày 6.1, Omicron đã xuất hiện tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO nhấn mạnh các nước không nên chủ quan trước biến chủng này, đồng thời bác bỏ những quan điểm cho rằng Omicron có thể là nhân tố tích cực chấm dứt đại dịch. Nhóm Tư vấn kỹ thuật về các thành phần của vắc xin Covid-19 thuộc WHO (TAG-CO-VAC) cho rằng các vắc xin Covid-19 hiện nay cần được bổ sung thành phần để bảo đảm hiệu quả phòng ngừa Omicron và các biến chủng trong tương lai; cần tiếp tục phát triển các vắc xin có tác dụng ngăn chặn tiến trình nhiễm và lây lan Covid-19; ngăn chặn tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển biến nặng và tử vong.
Tin tức - Bài viết liên quan